Xây nhà bằng gáo dừa
Hình ảnh những gáo dừa tươi sau khi sử dụng nằm lăn lóc trên đường phố Sài Gòn luôn làm tôi băn khoăn. Tôi nghĩ cần có một cách nào đó để tận dụng phế thải này.

Khi khô, gáo dừa rất cứng và nhẹ nên tôi chợt có ý tưởng dùng gáo dừa như một viên gạch xây vì gạch nung truyền thống tác động xấu đến môi trường trên nhiều mặt. Khai thác đất sét sản xuất gạch làm cạn kiệt tài nguyên đất, phá vỡ kết cấu địa chất của vùng bị khai thác. Kéo theo đó, các nhà máy chiếm nhiều diện tích, quá trình sản xuất tiêu tốn nhiên liệu đốt và thải ra khí C02 gây hiệu ứng nhà kính.

Việc sử dụng gạch bằng gáo dừa sẽ hạn chế những tác động động môi trường của gạch nung truyền thống và rác thải gáo dừa. Đồng thời đặc tính cách âm cách nhiệt của vật liệu này giúp tiết kiệm năng lượng điều hòa nhiệt độ cho công trình.

Xe bán nước dừa tươi, hình ành đặc trưng miền Nam.
Xe bán nước dừa tươi, hình ảnh đặc trưng miền Nam. Ảnh do tác giả cung cấp.

Có một điều thú vị là những người bán cắt gọt trái dừa với hình dáng giống nhau, phía trên khối cầu và phía dưới khối trụ tròn để dễ dàng đặt đứng trái dừa và cũng dể xếp chồng lên cao. Tôi đi các tỉnh miền Tây đều gặp cách cắt gọt gáo dừa tương tự. Điều này tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng gáo dừa làm gạch xây trên diện rộng. Tiêu chí đặt ra trong quá trình nghiên cứu là gáo dừa dùng như viên gạch xây phải bền, đẹp và đặc biệt là dễ thi công.

Việc cần làm đầu tiên là thu gom gáo dừa tươi. Nếu có sự chung tay của chính quyền hay doanh nghiệp thì vấn đề dể dàng hơn. Tuy nhiên trước khi chờ những điều này xảy ra, tôi nghiên cứu tình huống để mọi cá nhân có thể dễ dàng làm được. Chúng ta chỉ cần dùng một xe tải nhỏ chạy vòng quanh thành phố để thu gom. Thu gom gáo dừa không nhất thiết phải bằng nhau, chỉ cần tương đối vì cách thi công không đòi hỏi những trái dừa kích thước giống nhau tuyệt đối.

Cách liên kết hai trái dừa thành một viên gạch xây. Ảnh do tác giả cung cấp.
Cách liên kết hai trái dừa thành một viên gạch xây. Ảnh do tác giả cung cấp.

Nguồn thu gom gáo dừa chủ yếu từ những quán giải khát nước dừa, những xe ba gác bán dừa tươi. Thông thường khách đến mua dừa tươi uống luôn tại chỗ hoặc đem về nhà. Do đó, chúng ta luôn có một lượng gáo dừa nằm trên xe hoặc bên cạnh. Ngoài ra chúng ta có thể đến nơi thu gom dừa tươi để làm mứt. Những cơ sở này chỉ lấy cơm dừa, do đó bạn có thể dặn họ đừng làm nứt gáo dừa để tái sử dụng.

Sau đó, mọi người có thể xử lý gáo dừa tươi bằng cách dùng dao gọt tỉa để phần đáy phẳng giúp dể dàng ghép hai gáo dừa thành một cặp. Khi khô, gáo dừa rất cứng kể cả phần xơ, sau đó đem phơi khô gáo dừa. Tôi đã thử nghiệm, trong thời tiết nắng khoảng 32 độ C thì mất khoảng ba ngày là khô hoàn toàn. Lúc này gáo dừa và phần xơ đã rất cứng.

Tiếp theo cần ngâm gáo dừa khô trong bùn để chống mối mọt. Cách làm này của dân gian hiệu quả với vật liệu tre và cây tràm dùng cho xây dựng. Nó dễ làm và ít chi phí. Tuy nhiên nếu có tổ chức đúng ra nghiên cứu, đưa vào phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng chịu lực, cách xử lý tăng độ bền thì tốt hơn. Đây cũng là mong muốn của tôi để gạch gáo dừa được nghiên cứu kỹ và sử dụng rộng rãi.

Sau khi lấy lên từ bùn và rửa sạch, chúng ta cần liên kết hai gáo dừa lại với nhau bằng cách bắn vít bằng máy cầm tay. Máy này khá rẻ và rất phổ biến. Với những không gian cần sự thông thoáng tự nhiên thì khoan một lỗ chính giữa xuyên qua cả hai trái dừa để không khí dể dàng đi qua. Dùng chung máy để bắn vít cầm tay nhưng với mũi khoan gắn vào. Tùy vào chức năng phòng, nếu phòng ngủ, toilet và những phòng có máy lạnh, bạn không nên khoan lỗ. Với đường kính gáo dừa trung bình 12 mm, một bức tường 4 m x 3 m sẽ có khoảng 840 lỗ nhỏ li ti thông gió. Như vậy một phòng nhỏ 4 m x 4 m cao 3 m sẽ có khoảng 3.360 lỗ thông gió nhỏ li ti. Do đó không khí có thể di chuyển vào mọi ngóc ngách trong ngôi nhà một cách đều đặn và nhẹ nhàng. Cơ chế thông gió của công trình giống như một máy điều hòa tự nhiên khổng lồ giúp tiết kiệm được năng lượng làm mát nhà.

Mặt dựng bức tường gạch gáo dừa. Ảnh do tác giả cung cấp.
Mặt dựng bức tường gạch gáo dừa. Ảnh do tác giả cung cấp.

Cách thi công gạch gáo dừa cũng tương tự như gạch xây thông thường. Tuy nhiên cần dùng vữa xây chống thấm vì tường gáo dừa không sử dụng các lớp sơn. Đặt biệt bề mặt của bức tường bản thân nó đã có chất cản vật liệu.

Gạch gáo dừa có đặc tính là giá rẻ do chỉ thu gom phế thải, thẫm mỹ bức tường cao, trên tường có nhiều ô tròn to nhỏ khác nhau, có thể trồng cây nhỏ vào và đèn âm bên trong. Khả năng cách âm, cách nhiệt của nó tốt vì khi ghép hai gáo dừa thì độ dày một bức tường là 200 mm.

Đồng thời bản thân xơ dừa đã có khả năng cách âm và cách nhiệt nên đã được sử dụng làm vật liệu cách âm cách nhiệt trong thực tế. Khả năng thông gió cao với các lỗ khoang li ti nên sẽ giúp công trình tiết kiệm năng lượng điều hòa. Đây là dạng vật liệu nhẹ và dễ thi công, giúp tiết kiệm vật liệu cho kết cấu. Ngoài ra, bạn có thể tiết kiệm chi phí hoàn thiện bề mặt và thi công nhanh. Một bức tường thông thường có rất nhiều lớp, lớp gạch, lớp tô, lớp trét ma tít, lớp sơn lót, sơn hoàn thiện cả mặt trong và ngoài nên rất tốn chi phí và thời gian.

Thể loại công trình phù hợp với sử dụng gáo dừa đó là nhà ở miền qua đồng bằng sông Cửu Long vì ở đó có nhiều dừa và cùng một cách cắt dừa tươi để lấy nước. Do vật liệu mang tính địa phương, rẻ tiền và dể tìm thấy này sẽ phù hợp với nhà ở các miền quê. Các không gian không dùng máy lạnh nên các bức tường gáo dừa này sẽ làm mát nhà hữu hiệu.

Thể loại công trình tiếp theo là các khu nghỉ dưỡng theo phong cách thô mộc và gần với tự nhiên. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng gạch gáo dừa xây trường học cho các trẻ em vùng khó khăn vì giá rẻ và thông thoáng. Với khu vực thành phố thì có thể ứng dụng xây quán café. Đây là không gian cần tính nghệ thuật và thư giản. Do đó những bức tường thô mộc bằng gạch gáo dừa sẽ đáp ứng được nhu cầu này. Đồng thời quán café cũng là nơi nhiều người đến. Thông qua vật liệu gáo dừa tươi mọi người sẽ chú ý đến vấn đề tái chế rác thải và kích thích mọi người có ý tưởng về các vật liệu tái chế mới.

(Nguồn: VnExpress )