Bảo vệ ý tưởng bằng những bức thư bảo đảm!
Ý tưởng khá "ngộ nghĩnh" nhưng có vẻ khả thi cho SV của anh Đỗ Cao Nguyên, GĐ sáng tạo của công ty TNHH Thuyền Đông Dương tại Diễn đàn Ý tưởng lần 1

Ý tưởng sáng tạo là tài sản

Không ít ý tưởng đã trôi qua trong lãng phí khi nhiều người không định giá hết tầm quan trọng của nó để đầu tư, hoặc ý tưởng bất chợt đến rồi cũng vội đi khi thiếu vốn, thiếu xuất phát điểm. Điều đó đã gây tổn thất không nhỏ cho sự phát triển XH. Song, để bảo vệ ý tưởng của mình không phải là điều dễ dàng - nhất là với những bạn SV, các trí thức trẻ.

Luật sư Nguyễn Văn Viễn, Viện trưởng Viện sở hữu trí tuệ VN cho biết một số hướng dẫn cơ bản để bảo vệ những ý tưởng có tính công nghệ: "Đầu tiên, chúng ta phải xác định ý tưởng sáng tạo là tài sản. Điều chúng ta nghĩ ra mới là cái quan trọng chứ không phải là sản phẩm của ngày hôm nay. Ý tưởng sáng tạo là một trong những thứ ít ỏi được thế giới bảo hộ độc quyền trong nền kinh tế thị trường.

Khi chúng ta đã nghĩ ra cái gì đó, chúng ta phải coi nó là của mình, đừng ỷ lại vào người khác, pháp luật chỉ là công cụ bổ sung. Việc đăng ký bảo hộ bản quyền chỉ chấp nhận đối với những ý tưởng chưa từng công bố trước đó. Với cá nhân ý tưởng gia, việc công bố ý tưởng phải ở mức tạo được sự hấp dẫn với nhà đầu tư, nhưng vẫn giữ được bí quyết, đó là làm sao cho một chuyên gia trung bình trong lĩnh vực đó không thể hiểu và copy được. Tất cả việc xin xác lập quyền sở hữu được tuân thủ theo luật pháp của một lãnh thổ, quốc gia và các công ước quốc tế với những nước thành viên".

Với những ý tưởng phi công nghệ, luật sư Đào Minh Đức, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM) cho biết thêm: "Luật sở hữu trí tuệ ra đời để xác lập đối tượng sở hữu trí tuệ và luật sáng chế hình thành để bảo vệ ý tưởng. Có 19 tháng để quyết định ra mắt một sáng chế nào đó và các bạn có 6 tháng để ngăn chặn một sáng chế copy trên thị trường khi đã đăng ký luật sáng chế. Bản chất của luật là để kinh doanh, chứ không phải tôn vinh tài năng. Để hiểu biết rõ về luật, không có thể một sớm một chiều, mà các bạn trẻ cần phải được học. Hiện, một số trường ĐH đã đưa vào giảng dạy một số điều luật cơ bản để SV có thể áp dụng đối với những sản phẩm, ý tưởng của mình".

Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ ý tưởng, một khái niệm khác cũng làm diễn đàn khá quan tâm đó là vấn đề thương hiệu qua những ý kiến của ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu, Phó TGĐ của DASO Group: "Một sản phẩm là một tập hợp các lợi ích lý tính và cảm tính, trong đó thương hiệu là điều không thể copy được. Sứ mệnh của chúng ta là đóng góp cho XH những ý tưởng, còn vấn đề lợi nhuận kinh doanh chỉ có thể đạt được trong một khoảng thời gian, về lâu dài, đó là của cộng đồng. Song, với những ý tưởng như giải thưởng Sao vàng đất Việt, Hàng VN chất lượng cao... thì chủ của những ý tưởng có tính thương hiệu đó sẽ luôn được biết đến".

Và để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư

Có ý tưởng hay, nhưng tìm được nhà đầu tư thì không phải đơn giản. Trao đổi rất thẳng thắn, ông Trần Phương Bình, TGĐ Ngân hàng Đông Á nói: "Các ngân hàng không tài trợ tín dụng cho các ý tưởng mà là dự án sao khi xem xét được khả năng lợi ích của nó. Tuy nhiên, với những ý tưởng hay mà chúng tôi quan tâm thì chúng tôi sẽ mua, nhưng chúng tôi không phải là nhà sản xuất, nên không phải mua độc quyền ý tưởng". Riêng với sàn giao dịch ý tưởng, ông Trần Phương Bình cũng mong muốn ở những lần sau, sẽ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đặt hàng, ý tưởng gia đưa giải pháp và sàn hoạt động theo chuyên đề để bên cung và cầu gặp nhau dễ dàng hơn.

Để hấp dẫn doanh nghiệp, rõ ràng, ý tưởng phải thực tế và chứng minh được lợi ích lâu dài của nó, phải biết cách biến nó thành hiện thực. "Có những lúc thực tế làm bạn nản lòng, song, chúng ta phải có quyết tâm và ý chí để vượt qua, ví như thời First News chỉ là một bộ máy có ba người, hoạt động trong cơ chế đọc sách bao cấp, nếu không có ước mơ, có quyết tâm thì chúng tôi không thể phát triển và tạo thành thương hiệu như ngày nay", ông Nguyễn Văn Phước, TGĐ First News chia sẻ.

Và, không phải lúc nào cũng quá chú trọng đến tính thực tế, ý tưởng cần một chút "trên mây" với những ý kiến cởi mở của ông Đỗ Cao Nguyên "Các bạn trẻ, nhất là giới SV đừng bao giờ cho phép lực hút của trái đất kéo mình xuống mặt đất khi bắt đầu sáng tạo. Hãy cứ thả mình ra để bay bổng và sau đó thì từ từ hướng nó xuống mặt đất".

Ông Cao Nguyên còn chỉ vẽ một cách bảo vệ ý tưởng khá đơn giản cho các SV: nếu bạn nghĩ ra một ý tưởng nào đó, hãy viết chúng vào giấy và tự gửi thư bảo đảm cho chính mình. Nếu hôm sau, bạn nghĩ ra một ý tưởng hay hơn ngày hôm qua, hãy tiếp tục làm như thế! Sau này, có ai đó copy ý tưởng của bạn khi bạn sơ suất tiết lộ chúng, thì hãy dùng những lá thư bảo đảm kia như một bằng chứng. Tuy nhiên, người ta có thể copy ý tưởng của bạn, nhưng không thể copy được tiến trình phát triển ý tưởng của bạn!".

Nhưng, dù gì, yếu tố con người vẫn quan trọng nhất, bởi người ta có thể "ăn cắp" ý tưởng của bạn, song, nếu không đủ lực để làm, không hiểu rõ căn nguyên của ý tưởng đó, thì sự phá sản cũng dễ dàng như trở bàn tay. Đó là thực tế mà tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đã trải nghiệm khi một công ty quảng cáo copy ý tưởng của anh và phải chịu thiệt 2 tỷ đồng vì không thể làm tiếp sau đó...



(Nguồn: (Theo TT) )