Tạo đường mạch máu trong chạy thận nhân tạo
Đường mạch máu để chạy thận nhân tạo (CTNT) được xem như là đường sống còn của người bệnh thận giai đoạn cuối. Phẫu thuật tạo đường mạch máu có lưu lượng và áp lực cao (của động mạch) và nằm ở vị trí nông (của tĩnh mạch), sử dụng trong nhiều năm là phương pháp mới được áp dụng thành công.

Mỗi lần CTNT, người bệnh cần một đường mạch máu để kết nối với hệ thống máy thận nhân tạo. Hai phương pháp đang sử dụng hiện nay (đặt ống nòng đôi có kết nối ngoài vào động mạch ở tay và tĩnh mạch kế cận hoặc đặt qua ống kim lường lớn vào tĩnh mạch lớn) chỉ là đường mạch máu tạm thời và chỉ sử dụng được từ vài tuần đến vài tháng và có nguy cơ nhiễm trùng cao. Để có đường mạch máu sử dụng lâu dài, có lưu lượng và áp lực cao (của động mạch) và nằm ở vị trí nông (của tĩnh mạch), đồng thời có thể đặt kim kết nối với máy mỗi lần chạy thận, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã nghiên cứu và thực hiện phẫu thuật tạo đường mạch máu bằng cách tạo lỗ dò động tĩnh mạch rồi nối trực tiếp tĩnh mạch đầu vào động mạch quay tại vị trí cổ tay.

PGS.TS. Phạm Văn Bùi, BV Nguyễn Tri Phương cho biết: Đây là phẫu thuật vi phẫu, vị trí đầu tiên được chọn lựa để phẫu thuật là ở cổ tay của tay không thuận, nối giữa tĩnh mạch và động mạch quay, đây là vị trí xa nhất để tạo ra đường mạch máu dài nhất có thể được. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc tê vùng cánh tay. Nếu thất bại, những lần mổ sau, vị trí lần lượt gần hơn ở cẳng tay cho đến dưới và khuỷu, nối giữa tĩnh mạch đầu và động mạch cánh tay. Sau 4 - 6 tuần phẫu thuật, bệnh nhân đã có một đường tĩnh mạch đã được động mạch hóa có thể gắn kim và đủ lưu lượng để chạy thận trong nhiều năm. Phẫu thuật viên không chỉ phẫu thuật tạo lỗ dò đường mạch máu mà còn phải đảm bảo đường mạch máu đó có đủ chiều dài và lưu lượng để sử dụng an toàn trong nhiều năm còn lại của người bệnh.

Theo dõi toàn bộ 119 phẫu thuật thực hiện trên 95 bệnh nhân từ 19 - 87 tuổi cho thấy, tạo lỗ dò động - tĩnh mạch ở tay là phương pháp an toàn và khả thi giúp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối điều trị thận nhân tạo hiệu quả.

BS. Bùi cho biết thêm, lượng bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối cần điều trị thay thế thận ngày càng gia tăng. Trong khi ghép thận có chi phí cao và nguồn cho thận giới hạn; thẩm phân phúc mạc chưa được phát triển rộng rãi, thì CTNT là lựa chọn điều trị khả thi để kéo dài đời sống cho người bệnh thận giai đoạn cuối.

(Nguồn: khoahocphothong.com.vn )