Phát minh máy chiếu bóng
Vào một buổi chiều năm 1887, Thomas Armat tới thăm Edison và đưa cho nhà phát minh xem một máy chiếu hình, khi đó chưa hoàn hảo. Armat biết rằng chỉ có Edison mới có đủ tài cải biến máy móc đó ra một thứ có ích lợi thực tế.
Khi nhìn thấy chiếc máy kinematoscope (do chữ Hy Lạp kinema là chuyển động), Edison nhận ra ngay giá trị của nó. Ông đã bỏ ra 4 năm công sức vào việc cải tiến máy chiếu bóng và chế tạo máy quay phim và như vậy, đã mở đầu cho một ngành kỹ nghệ rộng lớn trên thế giới, chuyên cung cấp món giải trí bình dân nhất.



Máy chiếu bóng do Edison phát minh

Edison đã bỏ ra 100,000 đô la để lập phim trường tại Bronx Park. Ông đã thuê võ sĩ vô địch quyền Anh hạng năng tên là James J. Corbett tới Orange biểu diễn, để quay thành phim. Edison đã sản xuất được nhiều cuốn phim và còn cho phối hợp chiếc máy hát vào việc chiếu phim nói.

Khi kỹ nghệ chiếu bóng bắt đầu phát triển, Edison lại quay sang các lãnh vực mới. Ông làm nhiều thí nghiệm về quang tuyến X, thời đó vừa được Roentgen tìm ra. Công trình nghiên cứu của ông khiến ông chế tạo được máy huỳnh quang nghiệm (fluoroscope) và đèn huỳnh quang (lampe fluorescente). Edison còn lấy bằng phát minh cho bình ắc quy, loại đèn điện an toàn dùng trong hầm mỏ, cải tiến máy tính, tìm ra hợp chất sắt nickel. . . Ngoài ra còn rất nhiều phát minh nhỏ mọn khác mà ngày nay đối với chúng ta coi là tầm thường nhưng ở vào thời kỳ đó chưa có ai nghĩ tới cả.

Vào tuổi 60, Thomas Edison vẫn còn làm việc hăng hái như xưa. Ông đã “giải trí bằng cách thay đổi công việc làm”. Người ta hỏi ông về nghệ thuật của “Thành Công” và được ông trả lời : “Đó là khả năng kiên nhẫn”. Ông đã định nghĩa : “Thiên tài gồm 2 phần trăm cảm hứng và 98 phần trăm cực nhọc”. Edison cho rằng cách làm việc miệt mài bằng trí óc chính là bí quyết của sức khỏe và sự sống lâu, và ông còn nói thêm “Tôi chỉ cần tới thân xác để nuôi dưỡng bộ óc”.

Năm Thomas Edison 67 tuổi, một trận hỏa hoạn đã đốt sạch 7 dãy nhà không bảo hiểm tại West Orange, thiệt hại lên tới 5 triệu đô la. Edison đã mỉm cười với số phận. Ông liền bắt tay vào việc thiết lập lại cơ xưởng cũ.

Vào năm 1915, chính quyền Hoa Kỳ dự định tổ chức một cuộc triển lãm tại San Francisco, lấy tên là Cuộc Triển Lãm Panama Thái Bình Dương (Panama Pacific Exposition) để kỷ niệm ngày hoàn thành Kênh Đào Panama. Ban tổ chức Cuộc Triển Lãm có nhã ý dành ngày 21/10 làm “Ngày Edison”. Vào sáng ngày 21/10/1915 đó, ngày sinh nhật thứ 36 của chiếc đèn điện, Thomas Edison cùng Luther Burbank và Henry Ford tới thăm Phòng Triển Lãm. 50,000 người đã đứng hai bên đường để đón chào ba nhân vật đã mở mang con đường dẫn tới Văn Minh. Tại Phòng Đại Hội, Edison đã nhận lãnh huy chương đặc biệt trước hàng ngàn dân chúng hâm mộ và huy chương này được trao tặng về các công trình tốt đẹp mà ông đã thực hiện cho Nhân Loại.

Ngày 28/ 6/1914, Trận Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ và lan dần tới Mỹ Quốc khiến cho quốc gia này cũng bị liên hệ. Các nhà Khoa Học và Phát Minh đều theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Mặc dù gần 70 tuổi, Thomas Edison cũng tình nguyện gia nhập Hải Quân và nhận làm Chủ Tịch Ủy Ban Cố Vấn Kỹ Thuật với lòng mong ước mang lại Vinh Quang cho Hoa Kỳ. Trong thời gian này, ông Edison đã phát minh ra máy dò tầu ngầm và thủy lôi, đèn soi sáng dưới nước và phương pháp ngụy trang tầu chiến. . . Hơn 40 phát minh có tính cách chiến thuật của ông đã mang lại cho ông Quân Công Bội Tinh (the Distinguished Service Medal), một trong những huy chương cao quý nhất của Quân Lực Hoa Kỳ.
(Nguồn: Sưu tầm )