Nhu cầu năng lượng tại APEC sẽ tăng gấp ba
Theo báo cáo của APEC, nếu không giảm cường độ sử dụng, nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ tăng tương đương với tăng trưởng kinh tế, tức là khoảng 225% cho đến năm 2035.


Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa công bố Báo cáo triển vọng năng lượng trong khu vực. Báo cáo được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương và Nhóm nghiên cứu năng lượng APEC, đưa ra dự đoán chi tiết về cung - cầu tại các nước APEC và thực trạng khí thải nhà kính.

Tiến sĩ Phyllis Genther Yoshida, Trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng APEC nhận định: "Hiệu quả sử dụng năng lượng tại APEC đã tăng trong ba thập kỷ qua. Tỷ lệ này được dự đoán tiếp tục tăng nhẹ và đạt 53% năm 2035. Đó là nhờ chính sách tiết kiệm năng lượng và áp dụng công nghệ mới của các nước APEC".

Tiêu thụ năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí đốt, …) được dự đoán chỉ tăng 53% trong thời gian này. Nếu không giảm cường độ sử dụng, nhu cầu năng lượng ở APEC sẽ tăng với tốc độ tương đương tăng trưởng cả khu vực, được dự đoán là 225% năm 2035.

Tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở châu Á sẽ tăng 53% cho đến năm 2035. Ảnh: SCMP
Tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở châu Á sẽ tăng 53% cho đến năm 2035. Ảnh: SCMP

Cũng theo báo cáo này, 80% nhu cầu ở APEC năm 2035 có thể được đáp ứng bởi năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong khu vực lớn có thể làm tăng lượng khí thải CO2 từ đốt cháy nhiên liệu thêm 46%.

Tiến sĩ Yoshida cho biết: "Giảm khí thải là việc cần thiết để giúp châu Á - Thái Bình Dương phát triển bền vững và giảm rủi ro thay đổi khí hậu". Để giải quyết thách thức về năng lượng, báo cáo đề xuất các nền kinh tế APEC hợp tác chặt chẽ hơn trong việc nâng cao nhận thức biến đổi khí hậu, tuyên truyền cách sử dụng hiệu quả, hỗ trợ nghiên cứu công nghệ thải carbon thấp và đánh thuế khí thải, nếu phù hợp, để giảm lượng khí nhà kính.

Báo cáo cũng đề ra một số phương pháp đáp ứng nhu cầu năng lượng của APEC. Trong đó, "Phương pháp khí đốt cao" cho rằng APEC có thể tăng 30% sản lượng khí đốt tự nhiên cho đến năm 2035, nếu các hạn chế về phát triển và kinh doanh khí đốt được dỡ bỏ.

Các công nghệ mới để khai thác khí đốt từ đá phiến và các loại khí thiên nhiên khác có thể tăng tính khả thi của kế hoạch này. Chúng cũng góp phần giảm 22% lượng khí thải CO2 từ quá trình sản xuất điện cho đến năm 2035.

Các nước APEC hiện tiêu thụ khoảng 60% năng lượng cả thế giới. Tại cuộc họp năm 2011 tại Honolulu, Hawaii (Mỹ), các lãnh đạo khu vực này đã đặt mục tiêu giảm cường độ sử dụng năng lượng thêm ít nhất 45% năm 2035. Số liệu này thường được dùng để đo hiệu quả sử dụng năng lượng và tính bằng nhu cầu trên tổng GDP.


(Nguồn: Hà Thu )