Ấn tượng “nhà máy xanh” trên vùng đất đỏ miền Đông
Là nơi sản xuất ra ethanol từ củ sắn – loại nhiên liệu sinh học dùng pha chế xăng E5 nhằm giảm khí thải ô nhiễm môi trường, nhà máy của Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học phương Đông (OBF) đặt tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi về quy trình làm việc “xanh – sạch – đẹp” từ tổng thể tới chi tiết và từ máy móc đến con người.

Dự kiến khánh thành vào cuối tháng 4/2012, Nhà máy OBF hợp tác giữa Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Công ty CP LICOGI 16 và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản sẽ cho công suất 100 triệu lít/năm. Ấn tượng đầu tiên phải nói về OBF có lẽ chính là… hệ thống xử lý nước thải. Thông thường, khi nói về những nhà máy mới, người ta luôn chú ý tới bộ phận công nghệ chính mà ít đề cập hoặc “hồi sau” mới nói đến hệ thống xử lý nước thải. Nhưng với OBF, hệ thống này gây ấn tượng ngay cho chúng tôi bởi sự đầu tư kỹ càng về công sức và quy mô về tiền của đội ngũ lãnh đạo nhà máy. Việc này càng có ý nghĩa hơn với một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đã luôn đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.

Phó giám đốc kỹ thuật Phạm Hồng Phương trên công trường Nhà máy OBF

Mặc dù theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN40-2011/BTNMT), các nhà máy phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B, chỉ có khu công nghiệp mới yêu cầu đạt loại A, nhưng nhà máy OBF có hệ thống xử lý chất thải đạt tới loại A. Đây hiện đang là nhà máy duy nhất trong ngành sản xuất thực phẩm và cồn đạt loại A về xử lý chất thải. Quy mô hệ thống xử lý nước thải ở đây có công suất tới 4.200m3/ngày, trong đó nước thải ô nhiễm cao là 2.700m3 và nước thải ô nhiễm thấp là 1.500m3. Quy trình từ nước thải ô nhiễm cao đến nước xử lý đạt loại A xả ra môi trường được khép kín từ bể kị khí, tháp lọc sinh học bio filter, bể hiếu khí, hệ thống xử lý hóa đến hồ sinh học. Nước thải tại đây được xử lý ở 3 cấp độ, gồm nước thải ô nhiễm cao đến ô nhiễm thấp và nước thải loại A, thay vì 2 cấp độ như thông thường.

Đặc biệt, củ sắn có thể làm ra nhiên liệu sạch, nhưng chất thải từ bã sắn lại có nguy cơ rất cao gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, vụ việc Vedan sản xuất bột ngọt từ củ sắn và gây ô nhiễm nặng nề do không xử lý nước thải trên sông Thị Vải đã làm nhức nhối dư luận. Tuy nhiên, với hệ thống xử lý của OBF, nước thải loại A tại hồ sinh học phải đảm bảo cho… cá sống được trước khi thải ra môi trường. Đây là một cách minh chứng rất sống động và thuyết phục cho độ an toàn của nước thải. Nếu cá chết, nước tại hồ sinh học sẽ bị đẩy quay lại để xử lý từ đầu. Để có được quy trình xử lý chất thải rất lý tưởng này, OBF đã đầu tư tới 10 triệu USD và dành khoảng một nửa tổng diện tích xây dựng nhà máy. Đây là hệ thống xử lý chất thải lớn nhất trong các nhà máy sản xuất cồn và nhiên liệu sinh học hiện nay.

Chỉ hệ thống lớn này mới đảm bảo nước thải được trữ lại tại các hồ chứa diện tích rộng và xử lý trong vòng 11 ngày – đủ thời gian để các quy trình sinh hóa được hoàn thiện; đồng thời đảm bảo cho lưu lượng đầu ra và đầu vào ổn định, kể cả trong trường hợp xảy ra sự cố. Hệ thống này của OBF vẫn đang trong quá trình hoàn thiện với ngổn ngang máy móc, thiết bị, nhưng có thể hình dung được mô hình của một nhà máy xanh và đẹp trong tương lai không xa. OBF sản xuất ra sản phẩm sạch, nước thải ra môi trường cũng sạch, đồng thời tất cả các sản phẩm phụ thu được trong quy trình chiết suất ethanol từ củ sắn đều được tận dụng tối đa để làm những thành phẩm có ích như đá khô làm lạnh thực phẩm, đồ uống có gas, khí cho công nghiệp hàn, thức ăn gia súc, phân vi sinh, chất đốt, v.v… Không chỉ là “nhà máy xanh”, theo anh Phạm Hồng Phương, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông, OBF còn tự nguyện hướng tới mục tiêu cao hơn, trở thành một “tổ chức xanh”.

Vườn thực nghiệm OBF đang mở ra hy vọng cho người nông dân trồng sắn

Quy trình quản lý nhà máy được áp dụng theo chương trình 5S của Nhật Bản, với các tiêu chuẩn được Việt hóa bao gồm “Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ – Săn sóc – Sẵn sàng”. Theo đó, phương châm sản xuất tinh gọn, không dư thừa được áp dụng trên toàn nhà máy, từ con người đến máy móc tại tất cả các bộ phận quản lý chất lượng, công nghệ chính, phụ trợ, bảo trì. Đội ngũ cán bộ quản lý được tuyển chọn có sàng lọc, đào tạo cẩn thận để tạo bộ khung tốt. Tố chất cá nhân, khả năng văn thể mỹ cũng được đề cập đến khi tuyển chọn các ứng viên, nhằm hướng tới xây dựng một tập thể gắn bó, sáng tạo và luôn sẵn sàng, hào hứng cho công việc. Thiết bị phải được sắp xếp khoa học nhất, để đảm bảo tiết kiệm thời gian và công sức con người khi cần sử dụng.

Tới nhà máy khi còn đang là công trường ngổn ngang, bùn đất đỏ đặc trưng của miền Đông lấm lem và đóng keo trên giày dép, quần áo bảo hộ lao động, nhưng khi bước chân vào khu vực làm việc của OBF, chúng tôi cảm nhận được sự sạch sẽ, sáng bóng của đồ đạc, đến độ nhân viên và khách có thể thoải mái đi chân trần trong văn phòng và nhà ăn. Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2010, OBF hiện đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày vận hành chính thức và là một trong số không nhiều dự án hoàn thành đúng tiến độ. Nhờ đúng tiến độ, các kỹ sư của nhà máy có quãng thời gian rất quý báu để kiểm tra và khắc phục kịp thời những phát sinh khó lường trước khi đưa nhà máy vào vận hành chính thức. Anh Phạm Hồng Phương cho biết, theo kinh nghiệm từ các nhà máy đi trước, OBF đang tích cực khắc phục tiếng ồn và bụi ở khu vực nghiền. Điều này không chỉ đảm bảo tốt hơn chất lượng vận hành cho nhà máy, mà còn đảm bảo sức khỏe lâu dài trong người lao động trực tiếp tại đây.

Nếu như ở Bình Phước, người giàu thường trồng cao su, người “vừa vừa” trồng điều, chỉ có người nghèo mới trồng sắn, thì sự xuất hiện của nhà máy nhiên liệu sinh học Phương Đông đã mở thêm hy vọng cho những người nông dân nghèo. Với phương châm “đi cùng nông dân”, OBF mua sắn trực tiếp từ người dân, vừa đảm bảo không phải cộng thêm chi phí trung gian vào giá thành phẩm ethanol, vừa giúp người trồng sắn không bị ép giá từ thương lái trong và ngoài nước. Hiện hai giống sắn mà người dân thường trồng là KM94 và giống truyền thống mì đỏ (tiếng địa phương của sắn – PV) có dấu hiệu thoái hóa, năng suất thấp và dễ sâu bệnh. Tại đây, một vườn thực nghiệm trồng 18 giống sắn do OBF phối hợp với Đại học Nông Lâm TPHCM đang triển khai trên diện tích 7 ha. Sau khi nghiên cứu, vườn thực nghiệm của OBF sẽ tuyển chọn giống sắn mới ưu việt nhất để cung cấp miễn phí cho nông dân. Nằm ở vị trí trọng yếu trên “đường đi của sắn”, OBF đang mở thêm một cơ hội cải thiện đời sống cho cả vùng nguyên liệu sắn lớn gồm Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và các tỉnh lân cận.
(Nguồn: Petro Times )