Chất phóng xạ từ Nhật "chu du" khắp trái đất
Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết phần lớn chất phóng xạ thoát ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã rơi xuống biển và lưu chuyển khắp hành tinh.

Các phóng viên tham quan nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hôm 12/11. (Ảnh: AP)
Các phóng viên tham quan nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hôm 12/11. (Ảnh: AP)

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản bắt đầu sau khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị động đất và sóng thần tàn phá vào ngày 11/3. Một lượng phóng xạ lớn đã thoát ra khỏi các lò phản ứng do hệ thống làm nguội các lò tê liệt.

Viện Nghiên cứu Khí tượng Nhật Bản cho rằng đa số chất phóng xạ Cesium từ nhà máy Fukushima I đã rơi xuống các đại dương trên khắp thế giới, AFP đưa tin.

“Lượng phóng xạ còn lại rơi xuống đất liền. Điều đó có nghĩa là mức độ nhiễm phóng xạ của đại dương lớn hơn trên đất liền”, Hiroshi Takahashi, một nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khí tượng, nói.

Dữ liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu Khí tượng cho thấy mức độ nhiễm phóng xạ của các đại dương sau thảm họa kép ngày 11/3 chưa đủ lớn để đe dọa sức khỏe con người.

Takahashi cho hay, chất phóng xạ phát tán khá rộng khi chúng rơi xuống đại dương. Các mô hình máy tính cho thấy ban đầu chúng bay về phía đông bắc, qua phía đông nước Nga và bang Alaska của Mỹ. Sau đó chúng rơi xuống Thái Bình Dương và tiến tới bờ biển phía tây của Mỹ vào khoảng ngày 17/3.

“Chúng tôi tin rằng các chất phóng xạ hoàn thành chuyến đi vòng quanh trái đất đầu tiên vào ngày 24/3”, ông nói.

(Nguồn: Vnexpress )