EADS lùi ngày phóng vệ tinh viễn thám của Việt Nam
Ngày 11/4, tiến sỹ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng ban quản lý vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ lùi ngày phóng lên quỹ đạo.

Vệ tinh VNREDSat-1 trong xưởng lắp ráp của Astrium.
Vệ tinh VNREDSat-1 trong xưởng lắp ráp của Astrium.

Trước đó, trong một trao đổi với phóng viên BÁO, tiến sỹ Bùi Trọng Tuyên cho biết, dự kiến ngày phóng vệ tinh này sẽ vào khoảng từ ngày 18-20/4.

Cũng theo ông Tuyên, nhà thầu chính thực hiện dự án VNREDSat-1 là EADS Astrium (Pháp). Vệ tinh này đã trải qua hàng loạt thử nghiệm trong các môi trường mô phỏng vũ trụ, được chứng nhận đủ điều kiện để đưa lên quỹ đạo và đã được vận chuyển tới bãi phóng ở Kourou (Guyana thuộc Pháp) vào ngày 8/3 an toàn.

Nhà thầu được phép vận hành các đợt phóng tại đây là Công ty ArianeSpace (Pháp).

Ông Tuyên nói, ngày giờ chính xác để phóng vệ tinh VNREDSat-1 do Cơ quan Vũ trụ Pháp quyết định dựa trên đánh giá các yếu tố như tính sẵn sàng của tên lửa phóng, vệ tinh, điều kiện thời tiết, độ an toàn trong các khu vực tên lửa bay qua… và mỗi khâu đều được kiểm tra cẩn thận.

Bởi vậy, thông báo mới nhất từ Astrium và ArianeSpace cho biết sẽ kéo dài thời gian kiểm tra tính sẵn sàng của tên lửa phóng VEGA. Thời điểm phóng dự kiến sớm nhất vào ngày 24/4 (theo giờ Kourou).

[Vệ tinh viễn thám Việt Nam đã sẵn sàng lên quỹ đạo]

Được biết, VNREDSat-1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, với tổng đầu tư là 55,8 triệu Euro từ vốn ODA của Chính phủ Pháp và vốn đối ứng của Việt Nam là 64.820 triệu đồng.

VNREDSat-1 đi vào hoạt động sẽ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi đây là vệ tinh có thể chụp ảnh các vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu (đặc biệt là khi xảy ra các sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu...)

Ngoài ra, VNREDSat-1 cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ...

Hiện, Việt Nam đã triển khai ba trung tâm để điều hành, tiếp nhận và xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1. Nguồn nhân lực cũng đã được cử sang Pháp và hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh


(Nguồn: xaluan.com )