Tìm thấy loài voi mamut “lùn” nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu cho biết, loài voi ma mút nhỏ nhất từng sinh sống trên đảo Crete, Hy Lạp hàng triệu năm trước.
Con trưởng thành cao khoảng hơn 1 mét, có kích thước xấp xỉ một con voi con ngày nay. Các dấu vết còn lại của loài voi này được phát hiện từ cách đây 1 thế kỉ nhưng các nhà khoa học vẫn đang tranh luận rằng liệu đó là xương của voi ma mút hay của một loài voi cổ đại khác.

Kết quả sau khi phân tích mẫu răng hoá thạch cho biết dường như đây là voi ma mút. Hai nhà khảo cổ sinh vật học Victoria Herridge và Adrian Lister làm việc tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên Luân Đôn đã công bố kết quả nghiên cứu trên.



Theo họ, khi các loài động vật có kích thước lớn di chuyển đến sinh sống ở môi trường đảo, kích thước của chúng bị giảm đi. Đó là một phản ứng tiến hoá tự nhiên. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là vì sự khan hiếm thức ăn trên đảo. Ngoài ra, sự vắng mặt của các loài động vật ăn thịt trên đảo cũng là một lý do.

Các mẫu răng của loài voi “lùn” này được thu thập lần đầu tiên vào năm 1904 bởi 1 thợ săn hoá thạch, Dorothea Bate. Lúc đó, nhà khoa học cho rằng chúng thuộc về loài Palaeoloxodon, được xem là tổ tiên của tất cả các loài voi ngày nay. Tuy nhiên, kết quả sau khi so sánh với hoá thạch của các loài voi cổ đại và voi ma mút đã chỉ ra rằng các mẫu răng này thuộc về loài ma mút.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm loài voi khổng lồ này đã di cư đến đảo cách đây khoảng 3.5 triệu năm. “ Bằng các đo đạc chính xác dựa trên các mẫu xương chân thu thập được, chúng ta có thể biết chắc chắn rằng loài ma mút đã “lùn” đi khi đến sống ở đảo Crete”, tiến sĩ Herridge khẳng định.
Chú thích ảnh : Kết quả phân tích mẫu răng hoá thạch được tìm thấy trên đảo.
(Nguồn: datviet )