8 thủ thuật để mua sắm online an toàn
Với gần 31 triệu người dùng Internet, chiếm 34% dân số, Việt Nam là thị trường màu mỡ để phát triển các dịch vụ thương mại điện tử. Đây cũng là khởi đầu thuận lợi cho các dịch vụ mua sắm qua mạng nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho các hacker mũ đen.

Tại Việt Nam những năm trở lại đây mua sắm trực tuyến phát triển vượt bậc với sự ra đời của các trang như 5giay, chodientu, vatgia, rongbay, muachung, hotdeal,… và đây cũng là mục tiêu của những kẻ tội phạm qua mạng.

Các rủi ro chính cho người mua sắm trực tuyến là việc lẫn lộn các website giả mạo được thiết kế giao diện giống với những website bán lẻ có uy tín. Nhấp chuột một cách “qua loa” không cẩn thận các liên kết trong email có thể dẫn bạn đến những trang giả mạo và hậu quả là bạn có thể bị đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân khác và dĩ nhiên, cả tiền nữa.
 
Tuy rằng mua sắm trên mạng tiềm ẩn không ít nguy cơ, tuy nhiên tính tiện lợi, nhanh chóng và rất nhiều ưu điểm khác của phương thức mua bán này khiến số lượng giao dịch vẫn không ngừng tăng lên. Sự thật là mua bán trên mạng có một tương lai rất tươi sáng để phát triển và kèm theo đó cũng là mảnh đất màu mỡ đối với những tên tội phạm trên mạng. Để tránh việc bị đánh cắp tiền hay thông tin cá nhân qua mạng.
 
Hãy làm theo những lời khuyên cho việc mua sắm an toàn sau đây:
 
1. Đừng “shopping” ở những địa điểm Wifi công cộng như quán café, trường học, sân bay,… Hãy để dành việc mua sắm đó khi bạn về nhà. Bởi cái gì “công cộng” ai cũng có thể sử dụng thì khả năng bảo mật chắc chắn sẽ không cao.
 
2. Ở giai đoạn thanh toán, hãy xác minh sự an toàn của website đó bằng cách tìm kiếm những dấu hiệu đảm bảo an toàn sau đây: Ổ khoá ở góc dưới bên phải của trang; Https trên thanh địa chỉ trình duyệt hoặc trên những trình duyệt mới là 1 thanh địa chỉ màu xanh lá cây.
 
3. Thanh toán bằng thẻ tín dụng nếu có thể vì nó sẽ cung cấp bảo vệ nhiều hơn trong trường hợp bị gian lận.
 
4. Giữ lại hoá đơn số và kiểm tra thẻ tín dụng, báo cáo của ngân hàng để đảm bảo chúng khớp thông tin.
 
5. Không tuân theo bất kỳ thông điệp tiếp thị email nào thậm chí nó xuất phát từ một trang bán lẻ có uy tín. Tốt nhất là khi muốn mua hàng từ những trang đó bạn hãy trực tiếp đăng nhập vào những trang bán lẻ đó.
 
6. Đảm bảo máy tính bạn có chạy một phần mềm bảo mật mới nhất và có uy tín. Hiện tại một số phần mềm bảo mật đã sử dụng nền tảng công nghệ điện toán đám mây.
 
7. Tin tưởng vào bản năng, nếu bạn cảm thấy một cái gì đó không đúng, bạn nên dừng lại việc mua sắm và tìm hiểu một số điều cơ bản của một website phải có đó là địa chỉ thực và số điện thoại liên lạc.
 
8. Không nên trả tiền trực tiếp vào tài khoản của người bán. Hãy sử dụng một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán của bên thứ ba.

(Nguồn: dantri.com.vn )