Ðắc Nông ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", tỉnh Ðác Nông đã đầu tư hơn 5.656 tỷ đồng, từng bước tạo đột phá trong phát triển nền nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh ước đạt 30 triệu đồng/người/ năm, hộ nghèo giảm còn 23,25%...

Mặc dù vậy, đến nay, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, việc sử dụng đất đai chưa hợp lý, còn lãng phí lớn; cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ngành nghề nông thôn chuyển dịch chậm; sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phân tán; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Việc xây dựng các mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Ðến thời điểm hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít, chưa tập trung, quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng. Bên cạnh đó, do chưa có quy định chế độ tài chính áp dụng riêng nên việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình mẫu để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và nhân rộng. Hơn nữa, mức đầu tư của các mô hình ứng dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với các mô hình thông thường, nhưng mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí Nhà nước hạn chế nên phần lớn người dân thiếu vốn đầu tư. Mặt khác, mặc dù tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp, nhưng địa phương và doanh nghiệp đều chưa xây dựng được đội ngũ này nên hiệu quả thực hiện còn hạn chế. Ðồng thời chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Nông Ðỗ Ngọc Duyên cho biết: Việc chuyển giao KHKT cho nông dân, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sử dụng đất trên địa bàn tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc thúc đẩy chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao là điều hết sức cần thiết. Hiện nay, tỉnh đang tập trung khắc phục, tháo gỡ những khó khăn nói trên, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân thấy được hiệu quả của việc ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, từ đó đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao kết hợp với ứng dụng KHKT vào sản xuất để không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn.


(Nguồn: nhandan.com.vn )