Vì sao Ấn Độ, Việt Nam chê lô 18 chiếc Su-30K Nga?
Sau khi bị Ấn Độ trả về, Việt Nam từ chối mua, cuối cùng số phận của 18 chiếc tiêm kích Su-30K của Nga đã được định đoạt.
Ngày 22/11, tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga cho biết, họ sẽ cung cấp 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-30K cho một quốc gia ở Nam Phi.

“Số máy bay chiến đấu này sẽ được cung cấp cho một quốc gia Nam Phi. Bước đầu tiên, chúng tôi sẽ bàn giao 12 trong tổng số 18 chiếc máy bay chiến đấu nay”, trợ lý Tổng giám đốc Rosoboronexport Mikhail Zavaliy cho biết, nhưng không nói rõ đó là quốc gia nào.

Ông Mikhail Zavaliy cho biết thêm rằng, 6 chiếc máy bay chiến đấu Su-30K còn là sẽ được bàn giao vào một thời gian sau đó.

Tiêm kích Su-30K khi còn phục vụ trong Không quân Ấn Độ
Tiêm kích Su-30K khi còn phục vụ trong Không quân Ấn Độ

Dù nguồn tin trên không nói rõ Nga bán lô máy bay này cho nước nào tại châu Phi, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, đối tác mà Nga nhắc đến là Angola.

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở khi tháng 10/2013 vừa qua, nhật báo kinh doanh Vedomosti đưa tin, tập đoàn Rosoboronexport đã ký một gói hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Angola về việc cung cấp trang thiết bị quân sự, trong đó có việc cung cấp 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30K, xây dựng một nhà máy sản xuất súng đạn và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho Angola.

Có thể nói, số phận của 18 máy bay Su-30K nói trên quá phức tạp. Toàn bộ số máy bay này đã được Không quân Ấn Độ sử dụng trong thời gian 10 năm, sau đó được trả lại Nga.

Theo RIA Novosti, 18 máy bay chiến đấu này có những tính năng kỹ chiến thuật thấp hơn so với Su-30MKI, không có động cơ lực đẩy vector đa chiều hoặc 2 cánh mũi ở phía trước và khả năng cơ động cũng kém hơn.

Số máy bay này lại được chuyển tới nhà máy số 558 ở Belarus để sửa chữa và nâng cấp, trước khi được bán lại cho bên thứ 3 mà không đưa trở lại Nga để tránh thuế nhập khẩu.

Ban đầu có nguồn tin cho rằng Belarus muốn mua lại toàn bộ lô máy bay này và rằng Nga không cấp tín dụng cho họ (Belarus) để mua máy bay của Tập đoàn Irkut, sau đó, một vài nguồn tin khác lại tiết lộ khách hàng đó là Việt Nam, sau khi Hà Nội cử phái đoàn quân sự tới kiểm tra một vài máy bay.

Tuy nhiên, thay vì mua lại Su-30K với giá rẻ nhưng chất lượng khó kiểm định, Việt Nam đã quyết định mua những máy bay mới hơn và tiên tiến hơn.

Hãng tin Interfax-AVN trích dẫn một nguồn tin ngoại giao quân sự cho biết hôm 20/8/2013 rằng, Việt Nam đã đặt mua thêm 12 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 từ Nga, trong đó bao gồm cả việc cung cấp các trang thiết bị kỹ thuật. Tổng chi phí của hợp động này ít nhất là 600 triệu USD.

(Nguồn: baodatviet.vn )