Phát hiện ngôn ngữ cổ đại chưa từng biết đến
Các nhà khảo cổ học khi tiến hành khai quật ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy bằng chứng về một thứ ngôn ngữ bị lãng quên có niên đại hơn 2.500 năm thuộc triều đại của Đế chế Assyria.
Bằng chứng ngôn ngữ ấy đến từ phiến đất sét mà nhóm nghiên cứu Đại học Cambridge (Anh) phát hiện được tại khu vực thành phố Tushan cổ đại, có thể là của những người bị đày khỏi dãy núi Zagros (biên giới Iran và Iraq ngày nay).

            Phiến đất sét cổ được khai quật tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: John MacGinnis / Đại học Cambridge)

Theo chính sách của Đế quốc Assyria, nhiều người đã bị buộc phải rời quê hương và làm việc cũng như định cư gần Tushan phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. “Đó là cách giúp người Assyria củng cố quyền lực khi phá vỡ sự kiểm soát của lực lượng cầm quyền ở các khu vực mới chinh phục”, nhà nghiên cứu John MacGinnis cho biết. “Nếu bị trục xuất đến nơi mới, họ sẽ phải hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Assyria”.

Những dòng chữ trên phiến đất sét được khắc bằng chữ tượng hình, liệt kê tên của 60 người phụ nữ gắn với cung điện và chính quyền Assyria. Nhưng khi Tiến sĩ John MacGinnis kiểm tra chi tiết, ông nhận thấy rằng có 45 cái tên không giống với bất kỳ cái nào trong số hàng ngàn tên Trung Đông cổ đại mà các học giả từng biết đến.

45 người phụ nữ này được cho là đến từ một nơi nào đó thuộc miền trung hoặc miền bắc dãy Zagros, bởi vì đó là khu vực duy nhất mà quân đội Assyria hoạt động tại thời điểm nửa cuối thế kỷ 8 trước Công nguyên. Và đây có lẽ là kết quả của cuộc chinh phục do các vị vua Assyria như Tiglath Pilasser III hay Sargon dẫn đầu.

Phát hiện quan trọng này góp phần tiết lộ nguồn gốc văn hóa và sắc tộc của một trong những nhóm người “man rợ” đầu tiên của lịch sử thuộc nền văn minh Lưỡng Hà.
(Nguồn: datviet )